Võ Lâm Truyền Kỳ & câu chuyện khai nguyên làng game Việt


Đã hơn 15 năm trôi qua, việc ông Lê Hồng Minh và nhóm sáng lập VinaGame (tiền thân VNG) sang Trung Quốc mò mẫm mua Kiếm Hiệp Tình Duyên luôn là “giai thoại” bất hủ của làng game Việt. Lần đặt bút khi ấy không chỉ đánh dấu cho hợp đồng đầu tiên được ký kết dưới cái tên VinaGame mà còn là quyết định trọng đại nhất trong lịch sử công ty.



Khi đó, một công ty mới được thành lập vỏn vẹn vài tháng, vốn liếng tiếng Trung không có, tiền mua game phải mặc cả, vậy nhưng VinaGame vẫn làm được điều tưởng như không thể: đưa tựa game online kiếm hiệp đầu tiên về Việt Nam. Quyết định đổi tên Kiếm Hiệp Tình Duyên thành Võ Lâm Truyền Kỳ cũng trở thành bước ngoặt mang tính lịch sử, mở ra thời đại truyền kỳ võ lâm huy hoàng cho nhiều thế hệ về sau.



Thế nhưng ít ai biết rằng, hành trình lịch sử ấy của VinaGame đã phải trải qua muôn vàn khó khăn từ việc khai thiên lập địa với hệ thống server là dàn desktop chạy Linux, cho đến phải “mua chịu” server. Đỉnh điểm là làn sóng phản đối của người chơi khi đưa ra quyết định thu phí vào tháng 8.2005.

Trước khi áp dụng hình thức thu phí giờ chơi, ban điều hành Võ Lâm Truyền Kỳ đã cân nhắc rất nhiều, thậm chí cả nỗi sợ có thể sẽ bị người chơi tẩy chay bởi game Việt chưa hề có tiền lệ này. Không ngoài dự đoán, ngày 1.8.2005, trong vòng 24h sau khi trang chủ Võ Lâm Truyền Kỳ thông báo tin này, một làn sóng phản đối từ khách hàng khủng khiếp nhất trong lịch sử VinaGame đã nổ ra. Phản đối là điều tất yếu khi tâm lý “miễn phí” luôn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của người chơi lúc bấy giờ. Tuy nhiên, bằng sự lắng nghe và nỗ lực cân bằng lợi ích người chơi với những thay đổi mới, ban điều hành Võ Lâm Truyền Kỳ đã điều chỉnh mức phí phù hợp để xoa dịu làn sóng phản đối. Thành quả mang lại chính là doanh thu gần 800 triệu đồng trong ngày đầu tiên áp dụng hình thức thu phí giờ chơi (ngày 5.8.2005). Cũng chính trong khoảnh khắc vỡ òa đó, “VinaGame sống rồi, Võ Lâm Truyền Kỳ tạo nên kỳ tích rồi” đích thị là cảm xúc của những người trong cuộc.



Việc áp dụng hình thức thu phí giờ chơi này được xem là một trong những cột mốc lịch sử của ngành game Việt và cả giới công nghệ nói chung: người dùng bắt đầu biết đến việc “trả phí” cho những dịch vụ online, tạo tiền đề cho thói quen mua những dịch vụ trực tuyến có thu phí về sau. Cho đến thời điểm hiện tại, Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn là tựa game online nhập vai duy nhất tại Việt Nam giữ lối chơi thu phí theo giờ.



Nói như vậy bởi không khó để “truy” ra rằng những thuật ngữ, khái niệm, định nghĩa mà hầu hết game kiếm hiệp ngày nay vẫn sử dụng đều bắt nguồn từ Võ Lâm Truyền Kỳ. Những danh từ riêng trong Võ Lâm Truyền Kỳ đã trở thành biểu tượng và danh từ chung như Kim Nguyên Bảo, Kỳ Trân Các (ám chỉ cash-shop), Công Thành Chiến (guild castle), phụ bản, phó bản (dungeon)... Trên chiến trường, cách gọi “đồ sát” đến nay vẫn được dùng để chỉ chức năng bật PK tự do, “boss hoàng kim” để ám chỉ những con trùm khỏe nhất, cho đồ ngon nhất in-game.



Hay như hình ảnh thập đại môn phái lần đầu xuất hiện trong Võ Lâm Truyền Kỳ đã trở thành chuẩn mực để tất cả các MMORPG kiếm hiệp về sau bắt chước: từ Cái Bang thả rồng, Nga Mi buff cho đến Thiếu Lâm tanker hay Ngũ Độc aura. Mà đặc biệt hơn cả chính là quy chuẩn về ngũ hành tương sinh tương khắc trong việc chọn lựa môn phái, quần áo, vũ khí, trang bị… để tạo nên sự kỳ bí và hấp dẫn trong thế giới võ lâm. Cũng chính sự vận dụng quy luật ngũ hành đã mang đến thế giới Võ Lâm Truyền Kỳ đặc sắc và nổi bật mà suốt 15 năm, và chưa có một tựa game kiếm hiệp nào có thể vượt qua.



Game thủ Võ Lâm Truyền Kỳ chiếm đến 85% cộng đồng game thủ Việt. Thậm chí 80% người dùng internet tại Việt Nam đã chơi Võ Lâm Truyền Kỳ (số liệu năm 2008). Văn hóa chơi game cùng bang hội, những buổi offline gặp mặt anh em từ mọi miền Tổ quốc, và cả những cuộc tình “đẹp như mơ” của các cặp đôi game thủ đều xuất phát từ tựa game này. Vì thế thật không ngoa khi nói rằng khái niệm “cộng đồng game thủ Việt” chỉ thật sự thành hình khi Võ Lâm Truyền Kỳ xuất hiện.

Đại Hội Võ Lâm, Đại Kiếm Hội được xem là sự kiện offline cộng đồng đầu tiên, lâu đời và vẫn còn kéo dài cho đến ngày nay. Hệ thống giải đấu ra đời từ rất sớm của Võ Lâm Truyền Kỳ (Thiên Hạ Đệ Nhất Bang, Bang Hội Tinh Anh) là cầu nối đưa người chơi từ thế giới ảo đến với những cuộc hội ngộ ngoài đời thực, góp phần tạo lập và gắn kết một cộng đồng bền vững. Từ đó cũng khởi nguồn biết bao câu chuyện và hoạt động xã hội ý nghĩa. Ấy không chỉ là việc game thủ giúp đỡ nhau vượt qua cơn hoạn nạn mà còn là những chuyến đi thiện nguyện gần xa, góp thêm sinh lực và hy vọng để thắp sáng những mảnh đời khốn khó trên khắp mảnh đất hình chữ S.



Có thể nói, Võ Lâm Truyền Kỳ không chỉ là khởi thủy của Công ty VNG mà còn là dấu mốc lịch sử của thị trường game Việt, là “ông tổ” khai sinh ra khái niệm game kiếm hiệp vô cùng thành công ở Việt Nam. Đã có một thời gian dài, Võ Lâm Truyền Kỳ đại diện cho cả khái niệm “game online” trong suy nghĩ của người chơi. Từ tượng đài Võ Lâm Truyền Kỳ năm 2005, VNG liên tục mang đến cho người chơi những sản phẩm chất lượng cao, góp phần “nâng cấp” gu chơi game của người Việt như Võ Lâm Truyền Kỳ 3D, Kiếm Thế, Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile...

Làng game Việt sau 15 năm đã phát triển thành một thị trường vô cùng lớn mạnh, những thể loại game mới không ngừng xuất hiện, nhưng Võ Lâm Truyền Kỳ vẫn luôn là cái tên mang đến nhiều cảm xúc cho game thủ. Và cho đến tận bây giờ, rất khó để tìm được đối thủ nào có thể vượt qua được “cây đại thụ” này, nếu không phải là hậu bối của dòng game Võ Lâm Truyền Kỳ.

Nguồn bài viết: VNG & Báo Thanh Niên